Phật giáo Tâm_viên_ý_mã

Tâm viên bất định
Tâm viên bất định, nay thế này mai thế khác

Trong Phật giáo, Khỉ vượn là biểu thị cho nẻo hành hoạt của phạm trù Tâm. Kinh Tăng nhất A-hàm, nơi phẩm thứ 8, phẩm Con một có nhắc đến hình tượng này: “Tâm niệm ác đưa chúng sinh xuống địa ngục. Tâm niệm thiện đưa chúng sinh lên cõi trời, nhanh chóng như co duỗi cánh tay. Không một pháp nào nhanh nhạy hơn tâm. Giống như vượn khỉ, tâm không chuyên định, buông cái này, chụp lấy cái kia. Vì vậy hãy luôn luôn hàng phục tâm ý khiến hướng theo đường thiện”. Theo giáo pháp Phật, nói chuyện “Khỉ” tức là nói chuyện tâm người như “vượn chuyền cây” để ẩn dụ cho Tâm chúng sanh buông lung. Ý người phóng túng như vó ngựa đường xa, ngựa không cương thì chạy mãi cho đến khi mệt mới chồn chân.

Ý tứ này còn nói rằng những ý nghĩ nhảy nhót lung tung như con khỉ, chạy tung tăng như con ngựa phi đường xa. Tâm ý không lúc nào ngừng chuyển động. Theo triết lý của Phật giáo thì cự hiện diện của con người xuất phát từ vô minh. Vô minh sanh ra vọng động và vọng tâm đối cảnh sanh ra vọng thức. Vọng tâm và vọng thức, cả hai đều thuộc về nghiệp. Vọng tâm xao động nghĩ tưởng miên man không ngừng, ví như con khỉ leo trèo náo động, không biết chán, ý thức chạy rong không bến bờ như con ngựa. Người tu sĩ phải biết cách trì tâm dưỡng tánh, tâm khởi là vọng, trì tâm là chân. Do đó, Phật giáo đề ra việc phải dưỡng tâm.

Một con vượn đang leo trèo trong tán lá rừng

Trong các lọai chúng sanh, đặc biệt con người là có trí khôn hơn muôn loại, nhưng trong trí khôn đó vẫn có cái hay, cái dở cùng song hành với nhau trên từng nẻo đường giác ngộ, trên dặm đường cong.

  • Tâm viên: Là tâm mất chánh niệm, vọng niệm lúc nào cũng sanh khởi, các pháp bất thiện sanh sôi nẩy nở, mạ lỵ Phật pháp cũng từ tâm phát sanh. Vọng niệm là vòng dây trói buộc, có mắt xích liên hoàn, làm cho chúng sanh bối rối, không tìm được lối thoát giữa ngục tù vô minh, điên đảo mê lầm, mất phương hướng giữa bể khổ không bến bờ, bềnh bồng chốn sông mê, trôi đi về nơi xa thẳm vô biên.
  • Ý mã: Sự suy tư liên hoàn như ngựa chạy đường trường, không “bắt kế” để kềm chế bước “vó câu” nhất là những con ngựa chứng, con ngựa bất kham. Ý tưởng mông lung suốt đoạn đường dài một đời từ sinh đến tử, như tử thi trôi lăn theo dòng nước xoáy thời gian cuốn trôi.

Theo duy thức học, trong thân con người có nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, khẩu, ý, đó là nơi cộng hưởng và xuất phát những Ý mã, như là nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức, nhìn chung các phạm trù này tập trung vào nguồn ý thức. Ý thức đại diện cho ngũ căn, năm trần xông pha theo con ngựa đường đời vào thế giới tử sanh hay đường đạo cõi niết bàn. Tâm viên ý mã cũng là chơn tướng dục vọng, được các tu sĩ Phật giáo phát hiện từ đầu. Người lợi căn thì quán chiếu vọng niệm “tự tánh không” là không tướng, phi tướng, phi ngã, phi nhân ngã. Người độn căn thì tìm diệt giúp tâm ý định tĩnh, lánh xa phiền não, cả hai đều xa rời cái tâm vọng, tìm sống trong cõi Niết bàn (Nirvana).

Trong tác phẩm Khóa hư lục, vua Trần Thái Tông đã nói đến “tâm vượn” tại Nơi bài Bàn về tọa thiền: “Nếu khi ngồi thiền chẳng tắt mọi niệm, thì tâm vượn nổi dậy, ý ngựa lông bông”, trong Bài kệ Vô thường (thuộc phần Sám hối tội căn do mũi) nêu rõ: "Ý ngựa chạy theo mãi/Vượn tâm buông thả hoài", còn tại phần Chí tâm phát nguyện (thuộc phần Sám hối tội căn do ý): "Nguyện tâm vượn đừng khua múa/Nguyện ý ngựa tắt roi kìm". Tuệ Trung thượng sĩ Trần Quốc Tung có viết: "Miết nhĩ tùy tâm viên ý mã, nan miễn lợi lụy tỏa danh cương", dịch nghĩa là: "Bỗng chốc theo tâm viên ý mã, tránh được sao lợi buộc danh giàm". Sư Phá Am Tổ Tiên đang thuyết pháp, có người hỏi: Tâm viên ý mã không thể nắm bắt, xin hoà thượng từ bi khai thị. Sư đáp: Nắm bắt nó làm gì? Hãy như gió thổi, nước tự niên thành gợn sóng lăn tăn!.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tâm_viên_ý_mã http://yoga.about.com/b/2007/01/18/quieting-the-mo... http://www.bizjournals.com/louisville/stories/2008... http://antaiji.dogen-zen.de/eng/adult19.shtml http://www.umakato.jp/column_ceramic/b_vol17.html http://www.buddhanet.net/pdf_file/monkeym.pdf http://innerpeace.org/monkeymind.shtml http://www.sino-platonic.org/complete/spp020_tao_t... https://query.nytimes.com/gst/fullpage.html?res=95... https://archive.is/20020613032004/http://www.medit... https://archive.org/details/completeidiotsgu0000mc...